Lịch sử Kelantan

Lịch sử ban đầu của Kelantan được thể hiện trên những dấu vết của người tiền sử. Kelantan ban đầu có mối liên hệ với Vương quốc Phù Nam, Đế quốc Khmer, Sri Devi và Xiêm La. Khoảng năm 1411, Raja Kumar, người cai trị Kelantan đã làm cho Vương quốc này độc lập với Xiêm và Kelantan trở thành một trung tâm buôn bán quan trọng vào cuối thế kỷ XV.

Năm 1499, Kelantan trở thành một nước chư hầu của Vương quốc Hồi giáo Malacca. Sau khi Vương quốc này sụp đổ năm 1511, Kelantan bị phân tách và được đặt dưới quyền của mỗi tù trưởng và phải triều cống cho Pattani, Vương quốc Mã Lai quan trọng nhất ở phía đông bán đảo. Đầu những năm 1600, hầu hết các tù trưởng ở Kelantan trở thành thần dân của Pattani.

Khoảng năm 1760, Long Yunus, một người có dòng dõi quý tộc nhà binh có nguồn gốc Patani đã thống nhất lãnh thổ Kelantan ngày nay. Long Yunus được con trai kế vị năm 1800, Long Muhammad có tước hiệu là Quốc vương Muhammad I. Vì không có con nên sau khi Long Muhammad qua đời đã nổ ra nội chiến để tranh giành ngôi vua. Cháu trai của ông là Long Senik Mulut Merah đã chiến thắng các họ hàng khác của mình và trở thành vua năm 1835 với tước hiệu là Quốc vương Muhammad II.

Quốc vương Muhammad II đẩy mạnh mối liên minh lỏng lẻo với Xiêm trở thành chính sách của Kelantan. Theo Hiệp ước Anh-Xiêm năm 1909, người Thái từ bỏ tuyên bố củ quyền với Kelantan, Terengganu, KedahPerlis cho Anh. Kelantan trở thành nơi đầu tiên ở Mã Lai bị Nhật Bản xâm chiếm vào ngày 8 tháng 12 năm 1941. Trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, Kelantan trở lại dưới quyền kiểm soát của Xiêm nhưng sau khi Nhật Bản bại trận, Kelantan trở lại dưới quyền lực của Anh.

Kelantan trở thành một phần của Liên bang Mã Lai vào ngày 1 tháng 2 năm 1948 và cùng với các bang khác giành được độc lập vào ngày 31 tháng 12 năm 1957. Năm 1963, Kelantan trở thành một bang của Malaysia.